• SFSC
  • SFSC

ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG THƯỜNG NIÊN NĂM 2020

CÔNG TY CỔ PHẦN GIỐNG LÂM NGHIỆP VÙNG NAM BỘ

Số :………/BC-CT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 Tp Hồ Chí Minh, ngày  tháng 06 năm 2020

BÁO CÁO TỔNG KẾT THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SXKD NĂM 2019 

VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SXKD NĂM 2020

--------------------------------

PHẦN THỨ NHẤT

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SXKD NĂM 2019

I. ĐẶC ĐIỂM VÀ TÌNH HÌNH CHUNG :

Bước vào thực hiện kế hoạch SXKD năm 2019, Công ty có nhiều thuận lợi cơ bản nhưng cũng gặp không ít khó khăn thách thức, đó là :

1. Thuận lợi :

- Luôn được sự quan tâm theo dõi và chỉ đạo kịp thời của Bộ NN & PTNT, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam-CTCP, Đảng ủy & Công đoàn khối cơ sở Bộ NN & PTNT cũng như sự ủng hộ, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng, công tác quản lý giống của các cơ quan ban ngành tại một số địa phương mà Công ty có đất, rừng kinh doanh.

- Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc luôn đồng thuận, chủ động bám sát chỉ đạo, điều hành sản suất kinh doanh theo các Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị. Cán bộ, người lao động của Công ty đã phát huy được tinh thần đoàn kết cố gắng khắc phục khó khăn, nỗ lực cao trong công việc, luôn hướng tới mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

- Công ty là một trong số các đơn vị sản xuất giống ở khu vực phía Nam có bề dày kinh nghiệm, đặc biệt là sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng công nghệ mô, hom với chất lượng tốt, có thương hiệu trên thị trường. Công ty cũng đã có nhiều loại rừng giống chuyển hoá được công nhận.

- Giá gỗ rừng trồng trên thị trường khu vực khá cao và tương đối ổn định. Năng suất và chất lượng rừng trồng của Công ty ngày càng được cải thiện.

  1. Khó khăn :

- Chi phí đầu vào cho sản xuất các loại cây giống lâm nghiệp tăng cao nhưng giá bán sản phẩm cũng như thị phần đang phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt.

- Rừng Công ty quản lý tại 4 Trạm trực thuộc với diện tích nhỏ, phân tán ở 3 tỉnh, xa trụ sở Công ty nên khó khăn trong quản lý, điều hành và làm tăng cao chi phí bảo vệ, phòng chống cháy rừng.

- Chi phí hỗ trợ của Nhà nước đối với rừng giữ hộ còn quá thấp (300.000 đ/ha) so với chi phí thực tế do vậy Công ty phải tự bỏ thêm chi phí khá lớn cho công tác QLBV 314,68 ha rừng này. Việc giao khoán diện tích rừng và đất rừng mà các Công ty giống xin giữ lại như chỉ đạo của Bộ NN-PTNT tới nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

- Tiến độ xin cấp giấy CNQSDĐ và kí hợp đồng thuê đất phải tiếp tục bổ sung các hồ sơ giải trình, chưa xác lập được tính pháp lý vững chắc ở một số diện tích đất, rừng đang quản lý, sử dụng.

- Bộ giống chủ lực Công ty sản xuất kinh doanh rất lâu năm đã có biểu hiện bị già sinh lý, việc phục tráng giống gốc và phát triển kinh doanh các giống mới gặp nhiều khó khăn.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SXKD NĂM 2019 :

  1. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu tài chính:

Năm 2019, Công ty thực hiện vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu tài chính; doanh thu, lợi nhuận, cổ tức, thu nhập bình quân. Cụ thể :

Biểu thống kê kết quả thực hiện các chỉ tiêu tài chính năm 2019

TT

Chỉ tiêu

Đ.V.T

Kế

hoạch

Thực

hiện

Tỷ lệ đạt (%)

So với

2018 (%)

1

Doanh thu

Tr. đ

19.510

25.540

130,91

118,52

2

Lợi nhuận trước thuế

Tr. đ

3.830

5.252

137,08

114,30

3

Lợi nhuận sau thuế

Tr. đ

3.064

4.201

137,11

113,82

4

Nộp ngân sách

Tr. đ

900

1050

116,67

116,21

5

Chia cổ tức (dự kiến)

%

20

27,5

137,50

100,00

6

Thu nhập bình quân

Tr.đ/người

/tháng

11,12

11,83

106,38

102,03

 

2. Thực hiện kế hoạch sản xuất lâm nghiệp :

2.1. Công tác giống :

Năm 2019, Công ty phải đối mặt giải quyết những vấn đề lớn phát sinh và tích tụ dần từ những năm trước gây ảnh hưởng rất lớn đến SXKD, đó là: Thoái hóa giống các dòng Keo lai BV, nấm bệnh vườn cây hom và rừng trồng …

Được sự chỉ đạo kiên quyết và hỗ trợ tạo điều kiện của Tổng Công ty Lâm nghiệp VN, lãnh đạo Công ty đã đi thực địa ở nhiều địa bàn từ bắc chí nam, nắm bắt tình hình và nhanh chóng thực hiện các biện pháp để giải quyết vấn đề như :

- Cải thiện giống gốc các dòng BV: Công ty mua lại bình giống gốc BV của Viện nghiên cứu giống và CNSH Lâm nghiệp để thay thế các bình giống gốc, vườn vật liệu mô của Công ty nhằm sản xuất giống tốt đáp ứng nhu cầu của các hợp đồng mua giống Keo lai các dòng BV.

- Tăng cường chuyển trọng tâm sang sản xuất các dòng Keo lai mới như AH1, AH7  để thay thế dần các dòng BV…và tạo điều kiện để chuyển thành 2 dòng chủ lực trong kế hoạch SXKD năm 2020. Triển khai nhận chuyển giao các dòng Keo lá tràm cao sản Clt để chuẩn bị đưa vào SXKD trong vài năm tới.

- Rà soát, sửa đổi, xây dựng ban hành quy trình sản xuất, quy trình quản lý chất lượng sản phẩm cây giống, quản lý vườn ươm và tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình trên.

- Quan tâm đúng mức công tác chăm sóc khách hàng, nắm bắt tình hình thị trường trồng rừng, giống cây trồng …để có thông tin kịp thời các diễn biến liên quan đến sản xuất kinh doanh cây giống, rừng trồng nhằm có giải pháp kịp thời, duy trì và phát triển chất lượng cây giống của Công ty, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Qua đó năm 2019 đã thu được một số kết quả nhất định, cụ thể :

a) Sản xuất cây giống : Tổng số cây sản xuất, tiêu thụ 16,375 triệu cây các loại, đạt 121,3 % kế hoạch.

b) Thu hái và tiêu thụ hạt giống : 1.705 kg, đạt 85% kế hoạch.

2.2. Trồng rừng : 31,47 ha/KH 32,72 ha, đạt 96,18% kế hoạch.

Chất lượng rừng trồng : Khá tốt.

2.3. Chăm sóc, QLBV rừng trồng :

- Chăm sóc rừng trồng năm 2, năm 3 : 81,77 ha/KH 80,46 ha đạt 101,63% kế hoạch. Rừng trồng tăng trưởng tốt.

- QLBV rừng trồng của Công ty từ năm thứ 4 trở lên : 316,56 ha/KH 315,31 ha đạt 100,4% kế hoạch.

- Quản lý, bảo vệ rừng Nhà nước (giữ hộ) : 314,68 ha, đạt 100% kế hoạch.

Công tác chăm sóc, QLBV rừng được thực hiện tốt, không để xảy ra cháy rừng, chặt phá rừng và lấn chiếm đất đai.

2.4. Khai thác rừng trồng :

Tổng diện tích khai thác : 31,47 ha/KH 32,72 ha (96,18% kế hoạch năm, còn 1,25 ha Sao, Dầu chuyển sang kế hoạch khai thác năm 2020) – Tổng doanh thu 5.607 triệu đồng (đạt 101,76% kế hoạch). Việc khai thác đã thực hiện tuân thủ đúng các quy định hiện hành, giá bán cao đem lại hiệu quả kinh tế lớn.

  1. Công tác quản lý đất đai, vốn và tài sản :

3.1. Quản lý đất đai :

-  Xin cấp giấy CNQSDĐ và kí hợp đồng thuê đất :

+ Hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ và kí hợp đồng thuê đất tại Trạm giống Lâm nghiệp Long An dù trình đã lâu và liên hệ nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết với lý do Sở TN_MT tỉnh Long An nêu là đang chờ kết quả kiểm tra, đề xuất của Bộ NNPTNT và TNMT theo ý kiến chỉ đạo thực hiện của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT.

+ Hồ sơ xin thuê đất tại Trạm giống Lâm nghiệp Sông Bé (tỉnh Bình Phước), đã hoàn thành thủ tục thanh lý hợp đồng nhận khoán cũ trước đây để thuê đất. Tuy nhiên, đang phải giải trình bổ sung việc giảm diện tích 10 ha so với hợp đồng khoán trước đây còn phải mất nhiều thời gian kiểm tra, xác minh.

+ Hồ sơ xin thuê đất tại Trạm giống Lâm nghiệp La Ngà (tỉnh Đồng Nai) : Đã thuê tư vấn đo đạc, cắm mốc để xin cấp giấy CNQSDĐ và kí hợp đồng thuê đất, đơn vị tư vấn đang hoàn thiện hồ sơ.

- Xin nhận khoán rừng giữ hộ Nhà nước :

+ 127,1 ha tại Trạm Long An : Chưa thực hiện được vì tỉnh đề nghị thu hồi làm dự án điện gió.

+ 166 ha tại Trạm La Ngà : Công ty đã hợp đồng với Trung tâm Kỹ thuật địa chính tiến hành đo đạc, biên vẽ bản đồ, lập hồ sơ.

+ 21,58 ha tại Trạm Sông Bé : Đã đưa vào phương án sử dụng đất xin cấp giấy CNQSDĐ.

3.2. Quản lý vốn và tài sản :

- Thực hiện đúng chế độ kế toán theo quy định của pháp luật từ quản lý, sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, trích lập sử dụng các quỹ, quản lý nợ phải thu phải trả, kiểm kê định kỳ, khấu hao tài sản, quản lý hàng tồn kho.

- Quản lý doanh thu và thu nhập khác : Quản lý chặt chẽ, hạch toán đầy đủ, chính xác. Trong năm 2019 doanh thu và thu nhập khác 25.540 triệu đồng.

- Quản lý chặt chẽ các khoản chi phí để giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận. Chi phí SXKD năm 2019 là: 20.288 triệu đồng.

  1. Về thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động, chi trả cổ tức của cổ đông:

- Công ty thực hiện thanh toán tiền lương, trích nộp BHYT, BHTN, BHXH cho người lao động đầy đủ và đúng thời gian, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN.

- Thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSLĐ cũng như việc thanh toán các chế độ ốm đau, thai sản. Trong năm không để xảy ra vụ tai nạn lao động nào.

- Các chế độ khác theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa ước lao động tập thể đều được thực hiện đầy đủ.

- Chi trả cổ tức, kịp thời, đầy đủ theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông năm 2019.

5. Một số công tác khác :

5.1. Rà soát, xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung để ban hành các Quy chế - Quy định quản lý nội bộ :

Năm 2019 đã sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới và ban hành các: Quy trình kỹ thuật sản xuất cây Keo lai cấy mô, Bạch đàn cấy mô, Quy trình kỹ thuật sản xuất cây giống Keo lai giâm hom.

5.2. Công tác tổ chức – cán bộ:

Năm 2019, về tổ chức bộ máy Công ty cơ bản vẫn giữ nguyên như năm trước, chỉ có một số điều chỉnh phân công nhiệm vụ lại cho cán bộ hoặc các tổ sản xuất cụ thể hơn tại Trạm giống Long Thành và Bình Sơn. Việc thực hiện công tác tổ chức cán bộ đều đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo quy định.

5.3. Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nội quy lao động và luật pháp:

- Công ty luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà Nước, Quy định của địa phương, tích cực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong năm 2019 không để xảy ra vi phạm về  tham nhũng, lãng phí.

- Quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện nghiệm túc.

- Nội quy lao động được quán triệt và thực hiện nghiêm. Trong năm không có người lao động nào bị xử lý kỉ luật.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo : Trong năm không có khiếu nại, tố cáo.

- Công ty luôn tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức chính trị, chính trị xã hội hoạt động quy định của pháp luật và Điều lệ tổ chức. Tham gia tốt các phong trào thi đua do Đảng ủy khối, Công đoàn khối phát động.

 III. TỒN TẠI, KHUYẾT ĐIỂM – NGUYÊN NHÂN VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC.

1. Mặc dù 2019 đã xây dựng ban hành một số quy định nội bộ nhưng vẫn còn thiếu hoặc chưa đáp ứng yêu cầu SXKD, đặc biệt là về Quản lý vườn ươm, chất lượng cây giống, Phòng trừ sâu bệnh, Tuyển dụng đào tạo, ….. Trong năm 2020, tiếp tục phải hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định quản lý nội bộ để tăng cường hiệu lực quản lý, điều hành SXKD đúng Điều lệ, Pháp luật nhưng nhanh, gọn, hiệu quả.

2. Một số công việc tổ chức thực hiện còn chậm so với yêu cầu, nhất là về tiến độ bán đấu giá rừng, khai thác rừng, trồng rừng. Năm 2020 phải triển khai chỉ đạo khẩn trương và sâu sát, kịp thời các công việc này.

3. Việc triển khai lập Dự án xây dựng cao ốc văn phòng và cho thuê tại 573 Nguyễn Kiệm còn chậm do phát sinh về thời gian thực hiện dự án vướng Nghị định 167/2017 của Thủ tướng chính phủ và Văn bản số 6308/TC-QLCS ngày 4/6/2019 của Bộ Tài chính v/v sắp xếp lại xử lý nhà đất của tập đoàn tổng công ty do Ủy ban quản lý vốn Nhà nước quy định đối tượng gồm Công ty có vốn Nhà nước trên 50% gồm cả công ty mẹ và công ty con. Phía Công ty đã có văn bản gửi Tổng Công ty Lâm nghiệp xin ý kiến. Đến thời điểm này, Tổng Công ty đã trả lời chung là Bộ Tài chính đã thu hồi văn bản số 6308/TC-QLCS ngày 4/6/2019 và hướng dẫn đơn vị liên hệ trực tiếp địa phương để được hướng dẫn cụ thể.

 PHẦN THỨ HAI

KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH NĂM 2020

I. MỤC TIÊU

1. Bảo toàn và phát triển vốn, kinh doanh có lãi.

2. Duy trì tốc độ phát triển, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh một cách bền vững.

3. Nộp Ngân sách đúng, đủ và kịp thời theo quy định.

4. Đảm bảo việc làm, thu nhập và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động.

5. Đảm bảo cổ tức hiệu quả cho cổ đông.

 II. CÁC CHỈ TIÊU – NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Các chỉ tiêu về tài chính :

1.1. Tổng doanh thu và thu nhập khác : 20.2000 triệu đồng. Gồm :

- Doanh thu cây giống các loại: 14.250 triệu đồng.

- Doanh thu hạt giống các loại:            500 triệu đồng.

- Doanh thu bán cây đứng rừng trồng :  5.000 trệu đồng.

- Thu khác:     450 triệu đồng

1.2. Lợi nhuận trước thuế: 4.004 triệu đồng.

1.3. Tỷ lệ chia cổ tức: 20 %/năm.

1.4. Nộp Ngân sách Nhà Nước: Đúng, đủ theo quy định hiện hành.

1.6. Tiết giảm chi phí: 200 triệu đồng.

1.7. Thu nhập bình quân của người lao động : 10,6 triệu đồng/người/tháng.

  1. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác sản xuất lâm nghiệp :

2.1. Sản xuất giống :

a) Phấn đấu sản xuất, tiêu thụ 13,5 triệu cây giống tốt. Ưu tiên sản xuất các dòng Keo lai AH1, AH7. Đối với các dòng Keo lai BV, chỉ sản xuất giống theo năng lực nhằm đáp ứng nhu cầu giống đảm bảo chất lượng cho các khách hàng đặt hàng trước.

b) Nhận chuyển giao giống mới :

- Tiếp tục hoàn thiện công nghệ để tăng năng suất, sản lượng, hạ giá thành sản xuất dòng Keo lá tràm AA9 để sớm có sản phẩm mô mầm hàng hóa cung cấp cho thị trường.

- Tích cực liên hệ đối tác là Viện nghiên cứu giống và CNSH Lâm nghiệp để thực hiện hoàn tất nhận chuyển giao các dòng keo lá tràm cao sản Clt.

c) Thu hái, chế biến hạt giống : 2.000 kg.

d) Thực hiện chuyển hóa rừng giống Keo tai tượng và Keo lá tràm tại Bình Sơn: 16,8 ha.

e) Ký hợp đồng kinh tế và tổ chức thực hiện các hạng mục thuộc Dự án giống với Tổng cục lâm nghiệp (nếu có).

2.2.  Trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng năm 1: 40,51 ha.

- Keo lá tràm (Bình Sơn): 9,84 ha.

- Keo lai (Bình Sơn): 1,25 ha.

- Tràm cừ (Long An): 29,42 ha.

2.3. Chăm sóc rừng trồng năm 2, năm 3 : 96,55 ha, trong đó :

- Rừng trồng năm 2 : 31,47 ha.

- Rừng trồng năm 3 : 65,08 ha.

2.4. Quản lý bảo vệ rừng từ năm 4 trở đi: 292,74 ha, gồm :

- Rừng trồng năm thứ 4 : 16,69 ha.

- Rừng trồng năm thứ 5 : 57,45 ha.

- Rừng trồng năm thứ 6 trở lên : 218,6 ha.

2.5. Khai thác, tỉa thưa rừng trồng : 57,31 ha gồm:

- Khai thác trắng : 40,51 ha.

- Tỉa thưa : 16,8 ha.

2.6. Giữ hộ rừng Nhà nước : 314,68 ha.

  1. Một số nhiệm vụ khác :

3.1. Tích cực tiếp cận các bên liên quan, các cơ quan quản lý Nhà nước để sớm được hoàn tất việc xin cấp giấy CNQSDĐ cho toàn bộ diện tích của Công ty đang quản lý tại Long An, Bình Phước và lập thủ tục xin miễn giảm tiền thuê đất theo diện ưu đãi đầu tư như quy định tại Nghị định 46/2014/NĐ-CP, Nghị định 123/2017/NĐ-CP  của Chính phủ. Đồng thời, lập Phương án để đề nghị nhận khoán đối với 166 ha rừng Tếch giữ hộ Nhà nước tại Trạm La Ngà.

3.2. Triển khai các bước tiếp theo về việc lập, thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cao ốc Văn phòng kết hợp cho thuê tại 573 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.

 III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SXKD NĂM 2020

  1. Giải pháp về Tổ chức, lao động, tiền lương :

- Kiện toàn bộ máy quản lý, lãnh đạo từ Công ty đến các Trạm, bố trí đúng người, đúng việc. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kế cận có đầy đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm và bản lĩnh để thực hiện tốt công tác SXKD hiện tại và mở rộng quy mô trong thời gian tới của Công ty.

- Tăng cường sự phối hợp, đoàn kết thống nhất giữa HĐQT, Ban Giám đốc, Cấp ủy, Công đoàn cơ sở và người lao động trong việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết hội nghị người lao động năm 2020 cũng như các quy chế nội bộ, các quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để có biện pháp động viên, khuyến khích kịp thời những cá nhân làm tốt cũng như phát hiện và xử lý kịp thời những  biểu hiện tiêu cực. Tạo điều kiện thuận lợi cho CBNV hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định quản lý nội bộ để tăng cường hiệu lực quản lý, điều hành SXKD đúng Điều lệ, Pháp luật nhưng nhanh, gọn, hiệu quả.

- Tiếp tục giữ vững mối quan hệ gắn kết, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ giúp đỡ của các cổ đông, các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương, nhất là trong công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng.

  1. Giải pháp về Tài chính :

- Thực hiện đúng chế độ quản lý, sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, trích lập sử dụng các quỹ … và chế độ kế toán theo quy định của pháp luật.

- Quản lý tốt các khoản nợ phải trả, phải thu, không để phát sinh nợ quá hạn, nợ khó đòi.

- Tuân thủ đúng chế độ kiểm kê tài sản định kỳ, trích khấu hao tài sản, quản lý hàng tồn kho theo đúng quy định.

- Quản lý chặt chẽ, hạch toán đầy đủ, chính xác để tăng doanh thu và thu nhập khác.

- Quản lý chặt chẽ các khoản chi phí để giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận. Phấn đấu tiết giảm 5-10% chi phí quản lý.

  1. Đối với công tác giống :

- Tăng cường tìm kiếm, ký kết hợp đồng với khách hàng, duy trì và nâng cao công suất sản xuất tại Xưởng mô Long Thành, Vườn ươm Bình Sơn theo hướng ưu tiên sản xuất các dòng Keo lai mới AH1, AH7.

- Duy trì giống gốc, tăng cường việc đào tạo, đào tạo lại nhân lực để đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất và nhu cầu tiếp nhận chuyển giao công nghệ các dòng giống mới.

- Chú trọng nâng cao chất lượng cây giống, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của người lao động để nâng cao năng suất lao động. Tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để có thể cạnh tranh về giá bán cây giống.

-  Tăng cường thêm trang thiết bị máy móc phù hợp, nâng công suất máy biến áp điện để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

  1. Trồng, chăm sóc rừng trồng :

- Chủ động làm tốt công tác chuẩn bị : Thiết kế-dự toán, cây giống, vốn đầu tư, làm đất trồng rừng.

- Thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát thi công, thực hiện nghiêm quy định về nghiệm thu, thanh toán các hạng mục lâm sinh.

5. Khai thác rừng trồng :

- Thiết kế, thẩm định và phê duyệt đúng quy định.

- Thực hiện bán bán đấu giá cây đứng đúng quy định pháp luật và Quy chế bán đấu giá của Công ty.

- Đôn đốc, giám sát khai thác chặt chẽ để tránh khai thác nhầm lẫn ngoài ranh giới thiết kế, tiến độ khai thác phải đảm bảo thời vụ làm đất trồng lại rừng.

6. Quản lý, bảo vệ, PCCR :

- Ban hành và triển khai thực hiện quy chế về QLBVR của Công ty để quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn, quyền lợi của bộ phận, cá nhân trong Công ty. Rà soát để bổ sung mốc, ranh giới đất đai của Công ty rõ ràng, tránh bị lấn chiếm.

- Hoàn thiện hồ sơ quản lý, trên cơ sở đó tiến hành lập biên bản giao nhận cụ thể với từng Trạm, nhân viên BVR được giao QLBVR khu vực.

- Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ rừng theo quy định của Bộ NN-PTNT.

- Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương để tuyên truyền về công tác QLBVR, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.

- Trang bị đầy đủ công cụ dụng cụ để các Trạm thực hiện tốt công tác PCCCR mùa khô năm 2019-2020 theo phương án đã được phê duyệt.

7. Công tác chăm lo đời sống, thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động

- Chi trả lương, đóng BHXH, BHYT, BHTN và chi trả các chế độ liên quan đầy đủ kịp thời cho người lao động.

- Thực hiện nghiêm quy định về công tác bảo hộ lao động.

- Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, Thỏa ước lao động tập thể, phát huy quyền giám sát, kiểm tra của người lao động, của cổ đông tạo không khí thân thiện, cởi mở, vui tươi, lành mạnh trong Công ty để cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

PHẦN THỨ BA

KẾT LUẬN - KIẾN NGHỊ

 Qua một năm thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh với nhiều khó khăn nhưng với sự phấn đấu của toàn thể cán bộ quản lý và người lao động trong Công ty, cộng với sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, của các cổ đông … Công ty đã đạt được kết quả rất phấn khởi. Các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập bình quân, chia cổ tức đều đạt và vượt kế hoạch. Tiền lương cũng như BHXH, BHYT, BHTN … được trả đầy đủ cho người lao động. Tiếp tục bảo toàn được nguồn vốn để phát triển sản xuất. Với những thành quả trên Công ty khẳng định sự phát triển đúng hướng, ổn định, bền vững mà toàn thể cổ đông và người lao động mong đợi. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được còn các tồn tại và hạn chế cần khắc phục trong năm 2020 và những năm tới.

 Trên đây là nội dung Báo cáo kết quả sản xuất – kinh doanh năm 2019 và Kế hoạch SXKD năm 2020 của Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Nam Bộ, kính trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.

 GIÁM ĐỐC CÔNG TY

tin nóng

video clip

hỗ trợ khách hàng

  • 02838296299 ()

    glnvnb@gmail.com

  • 02838248788 ()

    glnvnb@gmail.com

  • TOP