KỸ THUẬT GIEO ƯƠM VÀ TRỒNG RỪNG
KEO TAI TƯỢNG
Tên khoa học: Acacia mangium
Họ: Fabaceae
I. Đặc điểm hình thái
- Cây cao 25-30 m, thân thẳng, vỏ màu nâu sẫm, phân cành dài, nhánh non có 3 cạnh to, nhẵn.
- Lá đơn mọc cách dạng thuôn dài, cong, phình rộng ở phần trên, đầu thuôn tù hẹp dần ở phần gốc, màu xanh lục bóng, nhẵn mỏng. Có 4 gân từ gốc lá, cong theo phiến, gân nhỏ mạng lưới.
- Cụm hoa dạng bông ở nách lá. Hoa nhỏ màu vàng.
- Quả đậu, dài, xoắn lại nhiều vòng, màu nâu đậm.
II. Phân bố địa lý
- Keo tai tượng mọc tự nhiên ở Australia, được nhập trồng ở nhiều nước nhiệt đới Châu Á. Ở Việt Nam thường trồng thành rừng tập trung, trồng xen, trồng phân tán,…
- Cây mọc tốt trên nhiều lọai đất có pH: 4 – 5; đặc biệt sinh trưởng tốt ở những nơi đất tốt, tầng đất dầy,nơi có lượng mưa từ 1500 – 2500 mm/năm.
III. Giá trị kinh tế
- Gỗ trung bình, nếu ngâm tẩm, xử lý tốt được dùng trong nhiều việc. Gỗ màu nhạt dễ cưa xẻ, đóng đồ gia dụng, dùng trong xây dựng, xẻ ván, làm bột, giấy, ván ép.
- Là loài cây đa mục đích, thuộc loài cây cố định đạm có tác dụng cải tạo đất.
IV. Một số thông số kỹ thuật
- Nơi thu hái: Đồng Nai
- Phương thức bảo quản:
+ Điều kiện thông thường, khô, thoáng mát, ở nhiệt độ 25 – 30oC, giữ được hạt trong 1 năm với tỷ lệ nẩy mầm suy giảm từ 20 – 30%.
+ Bảo quản khô mát ở nhiệt độ 5 - 10oC sau 1 năm tỷ lệ nẩy mầm suy giảm không đáng kể, hạt giữ được đến 3 năm.
Không để hạt nơi ẩm, thấp, dễ thấm nước.
- Trọng lượng 1.000 hạt = 11,75 gram.
- Số hạt trong 1 kg: 85.000.000 hạt
V. Kỹ thuật gây trồng
1. Thu hái, chế biến và bảo quản hạt giống
- Thu hái hạt giống trên những cây mẹ từ 8 tuổi trở lên. Cây mẹ được chọn phải có hình dáng đẹp, thân thẳng, chiều cao dưới cành từ 6 m trở lên, tán lá đều, không sâu bệnh, cụt ngọn, cây có sức sinh trưởng khá, chỉ thu hái những quả đã chín. Dấu hiệu nhận biết quả đã chín: Vỏ khô có màu nâu hoặc xám.
- Quả sau khi thu hái đem về phải chế biến ngay. Tiến hành phân loại quả, những quả chưa chín được ủ lại thành từng đóng từ 2 – 3 ngày cho quả chín đều, đóng ủ không cao quá 50 cm và phải thông gió, mỗi ngày đảo lại 1 lần. Quả chín thì rải đều phơi dưới nắng để tách hạt ra khỏi quả. Sau khi hạt tách ra khỏi quả phải thu ngay để tránh ảnh hưởng của nhiệt độ cao, loại bỏ tạp chất, hạt lép. Khi phơi phải đảo trộn nhiều lần trong ngày. Không phơi quả trên nền xi măng; chỉ phơi trên vải, cót, nong, nia, …
Hạt sau khi thu tiếp tục được phơi 2 – 3 nắng cho khô, sàng sảy, thu hạt tốt cho vào bao vải hoặc chum, vại để nơi khô thoáng.
2. Tạo cây con
2.1 Xử lý hạt giống
Hạt giống trước khi gieo được ngâm trong thuốc tím (KMnO4) nồng độ 0,05% trong 10 phút; sau đó vớt ra rửa sạch, để ráo, đổ nước sôi vào ngâm hạt và để nguội dần sau 4-6 giờ. Chọn những hạt trương (kích thuớc của hạt lúc trương lớn hơn kích thước hạt bình thường từ 2 – 3 lần) vớt ra và ủ trong túi vải (những hạt chưa trương tiếp tục xử lý trong nước sôi lại như lần đầu).Hằng ngày rửa chua bằng nước sạch, túi vải ủ hạt phải luôn luôn ẩm. Sau 2 – 3 ngày hạt nẩy mầm có thể đem đi gieo hoặc cấy hạt trực tiếp vào bầu.
2.2 Chuẩn bị bầu đất
Dùng túi bầu PE 7 x 12 cm đựng hỗn hợp ruột bầu, thành phần ruột bầu gồm 80% đất tầng AB + 20% phân hữu cơ đã hoai (phân chuồng, phân xanh, phân rác).Đất làm ruột bầu được đập nhỏ trộn đều với phân và tiến hành đóng bầu. Bầu đất đóng xong được xếp đứng, thẳng hàng theo từng luống có chiều rộng 0,8 – 1 m, chiều dài tùy ý, khoảng cách giữa 2 luống là 0,4 m.
2.3 Gieo hạt
Trước khi gieo hạt, bầu đất phải được tưới nước đủ ẩm trước đó 1 ngày. Chọn những hạt nhú mầm, dùng que bằng đầu đũa vót nhọn một đầu tạo lỗ giữa bầu sâu 1 – 1,5 cm rồi gieo hạt vào (mỗi bầu gieo từ 1 – 2 hạt), phủ một lớp đất mịn vừa lấp kín hạt, dùng rơm (hoặc cỏ khô, lá) đã qua khử trùng bằng nước vôi trong để che phủ mặt luống, bên trên dùng dàn che bằng lưới che nắng 50% – 70%. Hằng ngày tưới nước đều (sáng sớm và chiều tối), đủ ẩm. Sau 6 – 7 ngày, cây mạ mọc đều thì bỏ lớp vật liệu che phủ (rơm, rạ, cỏ, lá khô) và chăm sóc luống bầu, bầu nào cây chết phải được cấy dặm ngay. Chú ý đề phòng nấm bệnh và côn trùng phá hoại cây mầm.
Khi cây con bén rễ thì tháo dỡ dần dàn che ra, đến khi cây con được 1 – 1,5 tháng thì dỡ bỏ hoàn toàn và tiến hành đảo bầu.
2.4 Chăm sóc cây con
Luôn đảm bảo cho cây đủ ẩm trong 03 tháng đầu, mỗi ngày tưới 4 – 5 lít/m2/1 lần, 15 ngày làm cỏ phá váng 1 lần và tưới nước phân chuồng hoai hoặc phân NPK pha loãng 1%. Nếu cây bị vàng còi hoặc bạc lá dùng sulphát đạm và supe lân để tưới cho cây, pha nồng độ 0,1% - 0,2% tưới 2,5 lít/m2 hai ngày tưới 1 lần, sau khi tưới nước phân phải tưới rửa sạch bằng nước lã.
Phòng trừ bệnh thối cổ rễ cho cây con bằng dung dịch Boocđo 1% họăc thuốc Benlate (1g/1lít) phun đều trên mặt luống. Nếu bệnh xuất hiện pha nồng độ 6g/10 lít nước phun cho 100 m2, tuần hai lần, phun liên tục trong 2 – 3 tuần.
Thời gian nuôi cây trong vườn ươm từ 3 - 4 tháng, cây có chiều cao 35 - 40 cm, đường kính cổ rễ 3,5 – 4 mm thì đem xuất vườn.
2.5 Phòng trừ sâu bệnh
Cây con ở giai đoạn vườn ươm phải được thường xuyên chăm sóc, làm sạch cỏ để tránh sâu, bệnh gây hại. Để ngăn ngừa nấm hại, dùng Boocđo nồng độ 1% phun đều lên trên mặt lá với liều lượng phun 1 lít/4m2, 2 tuần/1 lần.
Khi phát hiện nấm bệnh thì tưới dung dịch boocđo 1% hay COC 85 liều lượng 25 gram/1 - 2 bình 8 lít, phun sương đều trên mặt lá với liều lượng phun 1 lít/4m2, 10 – 15 ngày phun 1 lần, liên tục 2 – 3 lần liền. Nếu sâu ăn lá hoặc một số côn trùng khác có thể dùng Bassa 50ND pha 1/400 – 1/600 hoặc dùng Methyl parathion 0,1% để phun. Nên phun thuốc vào buổi chiều. Sau khi phun thuốc 2 – 3 tiếng thì tưới lại bằng nước sạch.
3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng
3.1 Chuẩn bị đất trồng
- San ủi thực bì, đốt dọn, cày phá lâm phần bằng cày chảo 3.
- San bằng các gốc cây, gò mối, cày bằng cày chảo 7 hai lần để đạt độ tơi của đất.
Những nơi độ dốc cao, địa hình phức tạp, không cày được thì tiến hành cuốc hố cục bộ.
3.2 Thiết kế mật độ trồng rùng
Tùy theo mục đích trồng và điều kiện khí hậu ở mỗi địa phương mà có mật độ trồng khác nhau (1.100 cây/ha, 1.660 cây/ha hoặc 2.220 cây/ha). Thông thường thì trồng với mật độ 1.660 cây/ha, thiết kế theo kích thước 3 m x 2 m (hàng cách hàng 3m, cây cách cây 2m) để sau này cơ giới hóa được trong khâu chăm sóc và phòng chống cháy rừng.
3.3 Đào hố
- Kích thước hố đào 30 x 30 x 30 cm.
- Hố được đào trước khi trồng 7 – 10 ngày. Trường hợp đất được cày bừa thì hố đào được thực hiện cùng với quá trình trồng rừng và bón phân NPK (15 – 15 – 15) từ 50 – 100 gram/hố họăc phân hữu cơ sinh học từ 0,5 – 1,0 kg/hố. Sau khi bón phân xong phủ một lớp đất mịn dày 1 – 2 cm.
3.4 Trồng cây
- Trước khi bỏ cây xuống hố phải xé túi bầu.
- Cho cây vào giữa hố, giữ cây thẳng đứng, dùng tay vun lớp đất mịn ở xung quanh vào gốc cây. Vừa vun, vừa nén chặt gốc, lấp đất cao hơn cổ rễ từ 2 - 3 cm; hố lấp hình mu rùa.
3.5 Chăm sóc
- Sau khi trồng 1 tuần đến 10 ngày, những vị trí có cây con chết phải được trồng dặm ngay.
- Làm cỏ vun gốc 1 tháng sau khi trồng.
- Tiến hành chăm sóc 2 lần/năm: Lần 1 tiến hành vào đầu mùa mưa, lần 2 chăm sóc vào gần cuối mùa mưa. Nội dung chăm sóc: Phát thực bì tòan diện; dãy cỏ, bón phân, vun gốc cho cây rộng 0,8 – 1,0m; lượng phân bón là 100-150 gr NPK/gốc. Bón phân trong 3 năm đầu.
- Sử dụng cơ giới để cày sạch cỏ giữa 2 hàng cây từ năm thứ nhất đến năm thứ 3, thực hiện 2 lần/năm.
3.6 Bảo vệ, phòng chống cháy rừng
- Ngăn chặn trâu bò vào phá hoại cây trồng, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân xung quanh vùng về ý nghĩa của việc bảo vệ rừng.
- Phòng chống cháy rừng bằng cách cày làm sạch cỏ theo băng.
- Trên mỗi hàng cây cần dãy sạch cỏ, làm đường ranh ngăn lửa, đặt biển báo cấm đốt lửa trong rừng ngay ngoài bìa rừng.
Đang online: 17 | Tồng người truy cập: 14,458,948